Ung thư dạ dày có chữa khỏi không?

18/09/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Sức Khỏe Ung Thư
Ung thư dạ dày có chữa khỏi không?

Trả lời:

Ung thư dạ dày được chia làm nhiều giai đoạn từ 0 đến 4. Mỗi giai đoạn ung thư dạ dày có đặc điểm về tính chất u, tình trạng di căn hạch và mức độ lan rộng khác nhau. Số giai đoạn càng cao, mức độ xâm lấn và di căn của ung thư càng nhiều.

Theo báo cáo tổng hợp từ cơ sở dữ liệu theo dõi người bệnh ung thư (SEER) của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ (National Cancer Institute - NCI) giai đoạn 2014-2020, tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở người bệnh ung thư dạ dày giai đoạn tại chỗ khoảng 75%, giai đoạn tiến xa tại chỗ - tại vùng là 35% và di căn xa khoảng 7%.

Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tỷ lệ chữa khỏi ung thư dạ dày khá cao. Kế hoạch điều trị còn tùy thuộc vào từng người bệnh cụ thể hay còn gọi là điều trị cá thể hóa. Ngoài giai đoạn bệnh, bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như mức độ xâm lấn của khối u, giải phẫu bệnh, đột biến gene của khối u, khả năng đáp ứng điều trị, thể trạng, bệnh lý đi kèm...

Nếu có các dấu hiệu nghi ngờ ung thư dạ dày, bạn nên đi khám, kiểm tra và tầm soát ung thư. Tùy thuộc vào tình trạng mỗi người và giai đoạn bệnh, bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị hợp lý nhất.

Bác sĩ Thanh tư vấn cho người bệnh về ung thư dạ dày. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị ung thư dạ dày bao gồm:

Phẫu thuật đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị ung thư dạ dày. Nếu bệnh ở giai đoạn sớm, chưa di căn xa, phẫu thuật thường là phương pháp chủ đạo được sử dụng.

Hóa trị có thể chỉ định điều trị trước hoặc sau phẫu thuật. Hóa trị trước phẫu thuật nhằm thu nhỏ khối u, giúp phẫu thuật diễn ra dễ dàng, hiệu quả hơn. Hóa trị sau phẫu thuật giúp tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại và giảm nguy cơ tái phát. Trường hợp ung thư đã lan rộng (di căn xa) đến các cơ quan khác trong cơ thể hoặc không thể loại bỏ bằng phẫu thuật, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh hóa trị với mục đích giảm nhẹ triệu chứng.

Xạ trị là phương pháp sử dụng các chùm tia xạ để tiêu diệt tế bào ung thư. Đối với bệnh ung thư dạ dày, xạ trị được chỉ định trong các trường hợp như giai đoạn sớm, xạ trị kết hợp với hóa trị (còn được gọi là hóa xạ đồng thời) nhằm thu nhỏ khối u, giúp quá trình phẫu thuật dễ dàng hơn.

Trường hợp sau phẫu thuật, xạ trị kết hợp với hóa trị nhằm tiêu diệt tế bào ung thư không thể cắt bỏ hết sau phẫu thuật. Xạ trị còn được chỉ định trong trường hợp ung thư không thể phẫu thuật, giúp giảm nhẹ triệu chứng (đau, chảy máu...), nâng cao chất lượng sống của người bệnh.

Ngoài ra, còn một số phương pháp điều trị khác như liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch, chăm sóc giảm nhẹ...

Dù ung thư dạ dày là một trong những bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong khá cao, nhưng vẫn có thể điều trị khỏi nếu phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm. Mọi người nên chủ động khám sức khỏe tổng quát, tầm soát ung thư định kỳ và chủ động đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa Ung Bướu khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường gợi ý ung thư dạ dày.

BS.CKI Nguyễn Chí ThanhKhoa Ung Bướu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật