Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Cùng tham dự có các lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành và các doanh nghiệp: Vingroup, Hòa Phát, Thaco, KN Holdings, Sun Group, T&T, Geleximco, Minh Phú, Masan, Sovico, Tập đoàn TH, Cơ điện lạnh REE.
Tại hội nghị, đại diện Tập đoàn TH đề xuất việc xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường, nhằm cải thiện sức khỏe, tầm vóc thế hệ người Việt trẻ, trước thực trạng dinh dưỡng học đường, bữa ăn học đường tồn tại những bất cập.
Bà Thái Hương, nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược TH phát biểu tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp sáng 21/9. Ảnh: TH
Bà Thái Hương, nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược TH cho rằng những năm qua, Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, song vẫn có những vấn đề về dinh dưỡng ở tuổi tiền học đường và học đường. "Việt Nam nằm trong nhóm các nước có chiều cao trung bình thấp, đứng thứ 15 từ dưới lên", bà Thái Hương nói.
Đại diện tập đoàn TH dẫn ví dụ tại Nhật Bản, Luật Dinh dưỡng học đường có từ năm 1954, quy định các tiêu chuẩn dinh dưỡng và quản lý an toàn thực phẩm cho bữa ăn học đường. Tại Thái Lan, chính phủ nước này đã ban hành bộ tiêu chuẩn về bữa trưa tại trường. Ở Indonesia, Tổng thống mới đắc cử đã cam kết sẽ triển khai chương trình Bữa trưa miễn phí cho học sinh từ năm 2025...
"Tập đoàn TH xin đề xuất xây dựng một bộ luật riêng là Luật Dinh dưỡng học đường. Cần phải có luật riêng vì các nội dung quy định sẽ rất lớn và bao trùm, ảnh hưởng tới sức khỏe tầm vóc của thế hệ tương lai. Theo kinh nghiệm các nước đã thành công trong đó có Nhật Bản là một minh chứng rõ ràng", bà Thái Hương đề nghị.
Đề xuất của tập đoàn TH được đưa ra trong bối cảnh thực trạng dinh dưỡng học đường, các bữa ăn của trẻ em tồn tại những bất cập. Thời gian qua cũng có những căn cứ khoa học, thực tiễn từ các nghiên cứu thực nghiệm của các cơ quan như Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Năm 2013, Viện dinh dưỡng Quốc gia và các chuyên gia dinh dưỡng của Pháp, phối hợp với TH, xây dựng mô hình kết hợp với nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm, thực hiện tại 15 trường mẫu giáo và tiểu học với 3.600 trẻ thuộc huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Nghiên cứu này được đánh giá trên cơ sở khoa học, có triển khai những nhóm đối chứng, đánh giá khẩu phần, thiếu vi chất dinh dưỡng bằng xét nghiệm máu, vitamin A, kẽm và Hb trước và sau khi uống sữa.
Các em nhỏ tại một trường học trong nghiên cứu về bữa ăn học đường. Ảnh: TH
"Sữa tươi tiệt trùng sữa học đường TH true Milk là sản phẩm được Bộ Y tế xác nhận hiệu quả trong nghiên cứu cải thiện tình trạng dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng của trẻ em", bà Thái Hương nói. "Đây là cơ sở thực tiễn để ban hành tiêu chuẩn sữa học đường trong Đề án Sữa học đường Quốc gia, góp phần giảm thiểu tình trạng đưa sữa không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào trường học".
Năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và các chuyên gia độc lập, tham khảo kinh nghiệm thực tiễn của các nước phát triển trên thế giới (Nhật Bản) để thực hiện mô hình điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên.
Mô hình này triển khai trong năm học 2020-2021 tại 10 tỉnh, thành đại diện cho 5 vùng sinh thái trên cả nước, góp phần cung cấp nền tảng khoa học, thực tiễn cho chính sách về dinh dưỡng học đường.
Đại diện tập đoàn TH cho biết, trong mô hình điểm, bữa ăn học đường được tiếp cận theo hướng sử dụng thực phẩm hoàn toàn từ tự nhiên, dựa trên lợi thế về nông nghiệp của vùng miền, sữa tươi nguyên chất được đưa vào cấu phần bữa ăn một cách khoa học.
Can thiệp chính của mô hình là 400 thực đơn bữa ăn học đường đa dạng, cân đối, giàu vi chất dinh dưỡng, bữa phụ chiều sử dụng 1 ly sữa tươi nguyên chất để cải thiện khẩu phần canxi, kết hợp giáo dục dinh dưỡng và giáo dục thể chất. Các bữa ăn đa dạng, khoa học, hợp lý sẽ cung cấp đầy đủ các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
"Kết quả nghiên cứu cho thấy mô hình điểm đã có hiệu quả tích cực đối với sự phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ, đồng thời góp phần nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý và tăng cường thể lực cho cả ba đối tượng là học sinh, nhà trường và phụ huynh", bà Thái Hương nói.
Theo bà, kết quả thực tiễn từ mô hình trên chỉ ra rằng, nếu cung cấp cho các trường những điều kiện cần và đủ, bao gồm kiện toàn cơ sở vật chất, nhân lực, đào tạo chuyên môn, kết hợp giáo dục dinh dưỡng và thể chất thì có thể cải thiện được tình trạng dinh dưỡng của trẻ em Việt. Từ đó có thể giảm suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì, các em phát triển tốt hơn về thể chất, tạo thói quen ăn uống lành mạnh, giúp phòng chống bệnh không lây nhiễm khi trưởng thành.
Đánh giá về đề xuất Luật Dinh dưỡng học đường, Nhà sáng lập TH cho rằng cần xây dựng bài bản, bao trùm nhiều nội dung về chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em, học sinh, sinh viên... trên cơ sở các nghiên cứu, mô hình đã có kết quả thực nghiệm, tương tự mô hình của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế, cùng các đơn vị chuyên môn triển khai.
Tuấn Vũ