Gần một năm qua, Israel và Hezbollah gần như mỗi ngày đều giao tranh xuyên biên giới. Mức độ căng thẳng ngày càng gia tăng khiến giới quan sát cảnh báo cuộc đối đầu có nguy cơ bùng nổ thành một cuộc xung đột toàn diện. Các diễn biến mới nhất gần đây khiến viễn cảnh trên càng trở nên gần với thực tế hơn.
Đầu tiên là loạt vụ nổ máy nhắn tin, bộ đàm trên khắp Lebanon được cho là do Israel thực hiện, tiếp nối bằng cuộc tập kích hạ sát chỉ huy chủ chốt Hezbollah Ibrahim Aqil và đỉnh điểm là cuộc tập kích của Tel Aviv hôm 23/9 khiến hơn 550 người thiệt mạng và hơn 1.800 người bị thương.
Xe tăng Israel tại một vị trí gần biên giới với Lebanon hồi tháng 10/2023. Ảnh: AFP
Giới chức Israel hy vọng bằng cách tăng cường áp lực quân sự, đẩy tình hình leo thang, họ có thể khiến Hezbollah cảm thấy bị tổn thương quá lớn và lo sợ về thiệt hại cho dân thường Lebanon để cuối cùng đồng ý lùi quân khỏi biên giới, cũng như nhượng bộ trước các yêu cầu từ Tel Aviv. Họ tin rằng nếu Hezbollah phải trả giá nhiều hơn, các nhà ngoại giao nước ngoài sẽ dễ dàng thuyết phục nhóm thỏa hiệp, từ đó cho phép dân thường Israel được trở về nhà ở biên giới phía bắc đất nước.
Israel, dường như đã xâm nhập hoàn toàn vào hệ thống liên lạc của Hezbollah, được cho là nắm rõ hơn các cuộc thảo luận diễn ra bên trong nội bộ nhóm này so với những gì họ tuyên bố công khai. Israel có thể đã đánh giá rằng thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah cuối cùng sẽ phải lùi bước vì nhóm đã bị lộ thế yếu trước loạt đòn tấn công của Tel Aviv.
Mặt khác, Tel Aviv cũng có thể tính toán rằng khi Nasrallah thực sự bị dồn vào chân tường, ông sẽ phải phản ứng bằng cách phát động hàng loạt cuộc tập kích tên lửa liên tục vào các thị trấn Israel. Điều này sẽ tạo ra cái cớ để Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố rằng Hezbollah "mới là bên khơi mào", dù nó không thực sự thuyết phục.
Về mặt quân sự, những đòn giáng mà Hezbollah phải nhận trong tuần trước rõ ràng là một thảm họa đối với họ. Với bằng chứng về các điểm yếu của Hezbollah bị phơi bày trong những ngày gần đây, Israel có thể tự tin rằng họ hoàn toàn có cơ hội tiếp tục tấn công mạnh mẽ mà đối phương khó lòng phản kháng hiệu quả.
Hezbollah sở hữu một kho vũ khí đáng gờm, nhưng nhiều tên lửa của họ đã bị phòng không Israel đánh chặn và họ không cũng không có nguồn cung cấp vô tận. Trong bối cảnh đó, liệu ông Nasrallah có nghĩ rằng đây là thời điểm thích hợp để tung toàn bộ sức mạnh hay ông sẽ kiên nhẫn chờ đợi tới một thời điểm khác?
Hiện tại, bất chấp nhiều ngày bị Israel tấn công dữ dội, Hezbollah vẫn tuyên bố không khuất phục. Thủ lĩnh Nasrallah khẳng định Hezbollah sẽ không dừng lại cho đến khi Israel và Hamas, đồng minh thân cận của nhóm tại Dải Gaza, được lệnh ngừng bắn.
Theo nhà phân tích Nick Paton Walsh từ CNN, rất khó để Nasrallah thể hiện một lập trường nhượng bộ như Israel mong muốn sau những gì xảy ra tuần qua.
Sáng 22/9, Hezbollah đã bắn hàng chục tên lửa vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Israel, cách biên giới khoảng 48 km. Ngày 25/9, tên lửa đạn đạo Hezbollah lần đầu tiên bay đến Tel Aviv, cách biên giới 110 km.
Giới phân tích nhận định tương lai cuộc đối đầu sẽ phụ thuộc vào cách Hebollah hành động. Đến nay, Israel chưa tấn công quy mô lớn vào thủ đô Beirut, mà tiến hành các cuộc tập kích "khoanh vùng chính xác" vào thành trì Hezbollah ở vùng ngoại ô phía nam Beirut, nhắm vào những chỉ huy cấp cao của tổ chức.
Nếu chiến lược gây áp lực bằng đòn không kích không hiệu quả, Israel có thể tiến hành chiến dịch trên bộ ở miền nam Lebanon nhằm đẩy Hezbollah thoái lui.
Mặc dù đây sẽ là động thái mở rộng quân sự đáng kể đối với chính quyền Thủ tướng Netanyahu, có vẻ như nó vẫn nhận được động lực ủng hộ chính trị rộng rãi. Chủ tịch đảng Thống nhất Quốc gia Benny Gantz, người đã từ chức khỏi nội các thời chiến của Israel hồi tháng 6, hôm 23/9 tuyên bố sẽ ủng hộ một cuộc tấn công trên bộ nếu điều đó là cần thiết.
Israel đến giờ vẫn muốn tránh kịch bản này vì lo ngại về rủi ro cho lực lượng trên bộ. Nhưng nếu cảm thấy đây là điều không thể tránh khỏi, họ có thể tìm cách gây tiêu hao càng nhiều càng tốt cho Hezbollah bằng cách sử dụng chiến lược oanh tạc liên tục trên không, như đã làm ở Gaza, trước khi triển khai lực lượng trên bộ.
Khói bốc lên ở miền nam Lebanon sau các đòn không kích từ Israel ngày 23/9. Ảnh: Reuters
Một lần nữa, điều này phụ thuộc vào việc Hezbollah có tự nguyện rút lui khỏi biên giới hay không và liệu Israel có tự tin hoàn thành nhiệm vụ của mình chỉ bằng không quân hay không.
Theo bình luận viên Dana Stroul từ tạp chí Foreign Affairs, điều thế giới lo ngại nhất lúc này là nguy cơ bùng phát một cuộc xung đột toàn diện giữa Israel và Hezbollah. Thực tế cho thấy cả hai bên đang bị cuốn vào một vòng lặp giao tranh chưa nhìn thấy hồi kết và nếu kịch bản trên xảy ra, hệ lụy sẽ rất thảm khốc.
Thủ tướng Netanyahu có lẽ tin rằng ông có thể oanh tạc đến mức khiến Hezbollah kiệt quệ và không thể đáp trả một cách hiệu quả. Nhưng xung đột không bao giờ chỉ dừng lại ở đó, Walsh từ CNN cảnh báo.
Theo ông, Hezbollah chắc chắn sẽ tái thiết vì nền tảng của họ dựa trên một địa điểm cũng như con người cụ thể: Lebanon và người Hồi giáo dòng Shiite. Bài học mà NATO có được trước lực lượng Taliban tại Afghanistan cũng đúng với Hezbollah, rằng việc giết vô số chỉ huy cấp trung của nhóm trong các cuộc không kích không thể tạo ra kết quả mang tính quyết định.
Israel đang phô diễn sức mạnh quân sự và trong khi dân thường chịu rủi ro lớn. Tuy nhiên, con đường chính xác cho tương lai của họ vẫn chưa rõ ràng, Walsh nhấn mạnh.
"Lịch sử bạo lực ở khu vực này cho thấy nó có xu hướng lặp lại, thường theo những cách bất ngờ và khốc liệt hơn", ông nói.
Vũ Hoàng (Theo CNN, Reuters, AFP, Atlantic Coucil)