Chân dung của Leonardo da Vinci. Ảnh: The Economist
Leonardo da Vinci (năm 1452 - 1519) là một họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà giải phẫu, nhà phát minh và nhà triết học tự nhiên người Italy sống ở thời Phục Hưng. Tuy nhiên, Leonardo còn có một niềm đam mê ít người biết là nước hoa. Theo tiến sĩ Caro Verbeek, sử gia nghệ thuật và hương thơm làm việc ở bảo tàng Kunstmuseum Den Haag và Đại học Vrije Universiteit Amsterdam, vào thời da Vinci sống, nước hoa là một phần thiết yếu trong đời sống hàng ngày.
Đối với nhà bác học thời Phục Hưng như da Vinci, chế tạo nước hoa có thể là một sự mở rộng tự nhiên từ nghiên cứu khác của ông. "Da Vinci hứng thú với mọi dạng sự sống, bao gồm động vật và thực vật. Ông nghiên cứu chúng một cách tỉ mỉ, không chỉ vẽ mà còn lưu cả mùi hương của chúng. Ông cũng sở hữu thiết bị để chiết nước hoa. Bẩm sinh hay mày mò thí nghiệm, chắc chắn ông đã bắt đầu tạo ra những mùi hương riêng", Verbeek giải thích.
Tương tự nhiều nghiên cứu khác, quá trình khám phá nước hoa của da Vinci mang tính tổng hợp và sáng tạo. Ông nắm rõ kỹ thuật chiết mùi hương như pha cất trong rượu lỏng, một kiểu ủ dùng chất lỏng hấp thụ mùi hương trong thực vật. Ngoài ra, ông cũng biết kỹ thuật lấy hương lạnh vốn rất hiện đại vào thời đó. Trong quá trình này, những bông hoa mỏng manh được đặt trong mỡ động vật để hút tinh dầu thơm.
Theo Verbeek, da Vinci không phải họa sĩ kiêm nhà sản xuất nước hoa duy nhất ở thời của ông. Các họa sĩ thời Phục Hưng thường mang chất liệu cho bức tranh của chính họ và sơn dầu. Một số chất liệu sử dụng trong vẽ tranh như nhựa cây cũng được dùng trong ngành nước hoa. Do đó, da Vinci càng quen thuộc và dễ tiếp cận những sản phẩm này. Kết quả phân tích gần đây cho thấy Donna Nuda, một bức tranh do học trò của da Vinci hoàn thành dưới sự giám sát của ông, có mùi giống "khu rừng sau mưa". Tương tự, bức tranh Lady with an Ermine của da Vinci cũng có mùi thơm dễ ngửi giống như bảo tàng lịch sử, đặc biệt là mùi gỗ óc chó, theo Tomasz Sawoszczuk, trưởng nhóm nghiên cứu ở Đại học Kinh tế Kraków.
Tuy nhiên, rất ít người biết tới niềm đam mê với nước hoa của da Vinci bởi theo quan niệm phương Tây thời trước, thị giác và thính giác là những giác quan có thể giúp con người trở nên thông thái và tích lũy tri thức. Trong khi đó, khứu giác bị xem như giác quan thấp kém, gắn liền với trẻ con, động vật, sự nguyên thủy và không mang tính trí tuệ. Kết quả là niềm đam mê nước hoa của da Vinci bị xem nhẹ so với tài năng nghệ thuật và thành tựu khoa học của ông.
An Khang (Theo IFL Science)