Thông tin được nêu tại hội nghị tham vấn đại biểu HĐND thành phố về bảng giá đất điều chỉnh theo Luật Đất đai 2024, chiều 20/8.
Theo dự thảo bảng giá điều chỉnh được Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM lấy ý kiến, giá đất tại nhiều địa bàn có xu hướng tăng trung bình 5-10 lần, một số địa phương thuộc khu vực ngoại thành và vùng ven dự kiến điều chỉnh 15-50 lần so với hiện tại (chưa nhân hệ số K điều chỉnh giá đất 3,5 lần). Sở này cho rằng nếu tính cả hệ số K, so với Quyết định 02 của thành phố, giá đất tăng khoảng 2,5 lần và bằng 70% mặt bằng thị trường.
Tại hội nghị góp ý hôm nay, nhiều đại biểu cho rằng bảng giá đất điều chỉnh tăng quá cao sẽ tác động đến người dân muốn chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở, đặc biệt các huyện ngoại thành. Nhóm bị tác động nữa là những người làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (sổ đỏ). Họ sẽ phải đóng tiền sử dụng, phí trước bạ... cao hơn nhiều.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TP HCM, cho rằng hơn 110.090 ha đất nông nghiệp ở 9 địa phương sẽ chịu tác động khi bảng giá đất điều chỉnh áp dụng. Do đó, trong báo cáo tác động, Sở Tài nguyên và Môi trường cần làm rõ số hộ gia đình, người dân bị ảnh hưởng, chi phí tăng lên so với trước là bao nhiêu. "Cần làm rõ các tiêu chí để người dân thấy được mức độ tác động của bảng giá đất và có sự chuẩn bị", ông Bình nói.
Thống kê đất đai năm 2023 của TP HCM, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất được phân thành ba nhóm. Trong đó, 9 quận, huyện và TP Thủ Đức có tổng diện tích đất nông nghiệp gần 110.091 ha. Cụ thể, quận 12 (1.133 ha), Tân Phú (27,9 ha), Bình Tân (854 ha), huyện Nhà Bè (4.624,1 ha). Ngoài ra, huyện Củ Chi có 31.127,7 ha đất nông nghiệp, Hóc Môn hơn 5.235 ha), Bình Chánh là 16.555 ha, Cần Giờ và TP Thủ Đức lần lượt hơn 46.975 và 4.558 ha.
7 quận có đất nông nghiệp nhưng không bị ảnh hưởng do thuộc ranh dự án gồm quận 6, 7, 8, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình. 6 quận khác cũng không chịu tác động là quận 1, 3, 4, 5, 10 và Phú Nhuận, do tại đây không còn diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn.
Ông Nguyễn Toàn Thắng cho rằng nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích sử dụng đất là một trong các thủ tục hành chính chịu tác động khi thành phố áp bảng giá đất điều chỉnh.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, tại hội nghị, chiều 20/8. Ảnh: Lê Tuyết
Ở góc độ địa phương, ông Trần Văn Khuyên, Bí thư huyện Hóc Môn cũng nói khi thành phố muốn thực hiện bảng giá đất mới nghĩa là đảm bảo quyền lợi công bằng giữa nhà nước, người dân và chủ đầu tư. Tuy nhiên, ông đề nghị cần làm rõ quyền lợi của người dân khi thay đổi bảng giá đất.
Theo ông, hạ tầng huyện Hóc Môn còn kém, đường xá chưa tốt, huyện còn nghèo, nhưng giá đất gần như tăng cao nhất thành phố. Chẳng hạn, theo bảng giá điều chỉnh, một đoạn đường Lý Thường Kiệt tăng đến vài chục lần. "Người dân ở đây có miếng đất nông nghiệp giờ muốn chuyển đổi sang thổ cư để chia cho con cũng không xoay đủ tiền", ông Khuyên nói.
Trước các đề nghị, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết cơ quan này sẽ tiếp thu, báo cáo đánh giá tác động chi tiết về số diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn nếu chuyển đổi.
Một phần huyện Bình Chánh (TP HCM). Ảnh: Quỳnh Trần
Liên quan tới băn khoăn bảng giá đất sẽ tác động mạnh đến người dân làm thủ tục cấp sổ đỏ, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP HCM, cho rằng thành phố có gần 1,7 triệu thửa đất. Tuy nhiên, đến tháng 6, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp sổ đỏ cho hơn 99,5%, tỷ lệ còn lại rất ít, chủ yếu ở các quận, huyện vùng ven, lõi trung tâm.
Mức tiền sử dụng đất phải nộp khi hộ gia đình, cá nhân được cấp sổ đỏ phụ thuộc vào thời điểm sử dụng đất và tỷ lệ thu tương ứng. Trong đó, theo Luật Đất đai 2024, có 6 trường hợp không phải đóng tiền sử dụng đất; 4 trường hợp phải đóng theo tỷ lệ từ 10% đến 60%.
Ông Nguyễn Toàn Thắng bổ sung thêm luật mới cũng mở ra hướng, là người dân được nợ tiền sử dụng đất, tùy một số trường hợp cụ thể. Nghĩa là người dân làm thủ tục chuyển mục đích đất nông nghiệp sang thổ cư, xây nhà ở và khi nào bán mới phải thực hiện nghĩa vụ tài chính.
"Hộ nghèo, gia đình dân tộc thiểu số, người có công khi chuyển đổi mục đích được giảm tiền sử dụng đất đến 50%, tức chính sách đã có tính toán hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn. Còn những nhóm khác phải nộp đủ để đảm bảo công bằng", ông Thắng nói.
Dự thảo bảng giá đất điều chỉnh sau khi được Sở Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến các đơn vị có liên quan, trình Hội đồng thẩm định của thành phố. Sau đó, UBND TP HCM sẽ xem xét phê duyệt. Bảng giá này nếu được thông qua sẽ sử dụng đến 31/12/2025, nhưng cuối năm nay thành phố vẫn đánh giá lại để phù hợp tình hình kinh tế. Từ đầu 2026, TP HCM sẽ áp dụng bảng giá đất mới hằng năm chung theo Luật Đất đai 2024.
Lê Tuyết