Hành hạ shipper

11/09/2024
|
0 lượt xem
Thời Sự Ý Kiến
Hành hạ shipper

Số là tuần trước, Tuấn giao kiện hàng rất cồng kềnh cho khách: Một chiếc đồng hồ tủ đứng. Tuấn chở đến nơi, thay vì thanh toán tiền hàng và tiền ship, khách lại yêu cầu phải khuân lên nhà, dỡ hộp ra, lắp đặt đàng hoàng, "nhỡ nó không chạy thì sao".

Sau vài cuộc điện thoại với bên cửa hàng, Tuấn đành bỏ ra gần một giờ để hoàn thành tất cả những thao tác đó, với hy vọng kết thúc sớm đơn hàng này, dù đó không phải là trách nhiệm của Tuấn. Nhưng sau khi ngắm cho đã chiếc đồng hồ cao gần bằng thân người, chủ nhà lại bảo, "nó kêu to quá, anh không lấy nữa, mày gói vào mang trả lại cửa hàng cho anh".

Đó là giọt nước tràn ly khiến Tuấn không thể nào chịu đựng nổi công việc này nữa. Bạn tâm sự, nắng mưa em chịu được, tắc đường em cũng chịu được, điện thoại rơi vỡ bao lần em cũng cố được, nhưng khách hàng quá đáng như thế thì em đành bỏ cuộc thôi.

Năm nay tỷ lệ ứng tuyển vào ngành logistics ở trường con tôi lên rất cao. Kể từ đợt dịch Covid-19, logistics đột ngột lên ngôi. Ngành dịch vụ tỷ đô này trở thành một trong những lĩnh vực xương sống của xã hội. Lương cao thưởng nhiều, môi trường năng động, tương lai rộng mở, đó là viễn cảnh mà rất nhiều thanh thiếu niên tưởng tượng ra khi lao vào logistics.

Nhưng ít bạn hình dung được rằng, dù không tốt nghiệp chuyên ngành này, vô số lao động tại Việt Nam vẫn phải gia nhập đội quân logistics và đứng ở vị trí cuối chuỗi - trở thành một shipper.

Số liệu từ Viện Khoa học lao động xã hội cho biết, 36,6% shipper có trình độ cao (đại học và sau đại học). Shipper - người giao hàng, giờ đây là danh từ quen thuộc của rất nhiều người trong độ tuổi lao động, khi họ không có lựa chọn công việc nào khả dĩ hơn.

Với nhiều khách hàng, shipper còn "thân thiết" hơn người nhà: tần suất shipper gọi điện và nhắn tin cho họ cao hơn nhiều so với tần suất liên lạc với người thân, thậm chí shipper nhớ cả lịch sinh hoạt của khách để giao hàng cho đúng khung giờ. Nhưng không nhiều vị khách chịu đối xử tử tế với shipper. Một số người thậm chí vẫn mang tâm lý "mất tiền mua mâm phải đâm cho thủng" để bắt nạt shipper.

Chuyện "bom hàng" là điển hình nhất. Khách hẹn lần hẹn lữa năm bảy bận, shipper đi đi về về vài chuyến với vài cuộc điện thoại, đến lúc gặp được khách thì khách bảo không nhận hàng với vô vàn lý do, đến nỗi "bom hàng" trở thành một trào lưu ảnh chế trên mạng.

Nhiều shipper còn mất cả hàng khi phải cố chiều theo ý khách. Bao lần ship đến sảnh chung cư, gọi điện cho khách thì: "chị đang tắm cho con", "anh đang dở chút việc"...

Không giao được hàng thì không lấy được tiền, shipper cắn răng để xe dưới sân chạy lên đưa đồ, nhưng khi quay xuống thì một số món hàng trên xe đã không cánh mà bay.

Kể cả khi giao được đồ cho khách, shipper vẫn có thể bị khách đòi giảm tiền do hàng không như ý, gói bọc ban đầu không cẩn thận, hoặc bị khách mắng chửi oan do mâu thuẫn với người gửi hàng mà vốn không liên quan đến shipper. Áp lực nhất là giao đồ ăn thức uống, shipper mất tiền như chơi do đồ ăn đã nguội, hoặc hải sản mất tươi, hoặc chỉ là đá ăn kèm cốc chè đã tan hết...

Tất nhiên khách hàng có quyền đổi ý, có quyền thắc mắc, có quyền từ chối trong một số trường hợp nhất định, nhưng một khách hàng liên tục hành xử như vậy trong nhiều đơn hàng thì không còn đáng cảm thông nữa.

Người mua hàng văn minh sẽ không hành hạ shipper, nhưng có những người chỉ văn minh khi đối xử với tầng lớp có quyền có thế trong xã hội. Còn shipper bị coi là công việc tầm thường và "rẻ tiền", không có tiếng nói hay địa vị gì, nên rất dễ bị đối xử kém văn hóa.

Tất nhiên cũng như mọi ngành nghề khác, có những shipper chưa linh hoạt, chưa trung thực, hoặc chưa chuyên nghiệp. Họ dù sao cũng sớm bị đào thải bởi tốc độ thay thế chóng mặt và mức độ cạnh tranh khốc liệt của ngành logistics. Còn lại phần lớn shipper coi đây là một nghề nghiêm túc, có đến 95% chưa có ý định đổi sang việc khác trong 5 năm tới (theo thống kê của Viện Khoa học lao động xã hội).

Thu nhập của nghề shipper không hẳn là thấp. Tháng cao điểm cày cuốc không dám nghỉ ăn trưa, Tuấn có thu nhập lên đến 20 triệu. Nhưng ngay cả thời điểm đó, Tuấn cũng lo lắng là không thể trung thành mãi với nghề này, vì cái giá phải trả về sức khỏe thể chất và tinh thần là quá lớn.

Ngã xe, cảm sốt, đau dạ dày... là những "chi phí" có thể đong đếm được. Nhưng sự căng thẳng, buồn bã, thất vọng, sợ hãi, giận dữ và vô vàn trạng thái tiêu cực khác mà các shipper phải chịu đựng hàng ngày là cái giá không thể lượng hóa. Nó không chỉ ảnh hưởng đến một người lao động, mà còn tất cả những người xung quanh, vợ con, đồng nghiệp, bạn bè, và hẳn cũng ảnh hưởng đến cả khách hàng.

Hầu hết shipper đều phải nộp giấy khám sức khỏe khi xin việc, nhưng hiếm có shipper nào được thăm khám sức khỏe thể chất và tinh thần kể cả khi đã kiệt quệ vì công việc.

Có thể nói, với nhiều shipper, chi phí họ bỏ ra, kể cả vô hình và hữu hình, lớn hơn quá nhiều so với thu nhập nhận được. Mỗi đơn hàng nếu được giao thuận lợi, shipper nhận về chỉ vài ngàn đồng, nhưng nếu gặp rủi ro, thì việc mất cả triệu bạc cũng không phải hiếm.

Thương mại điện tử những năm gần đây phát triển theo chiều thẳng đứng, thị trường logistics nói chung và thị trường lao động của các shipper nói riêng cũng theo đó mà mở rộng không ngừng. Song, đó cũng là một trong những nghề khắc nghiệt nhất trong xã hội.

Lần tới, khi đặt hàng qua mạng, bạn hãy dùng một chút dịu dàng để cổ vũ shipper. Đôi khi chỉ một cốc nước mát, một chút hoa quả hoặc bánh trái cũng có thể giúp người giao hàng xốc lại tinh thần, vượt qua một ngày vất vả.

Đánh giá nhiều sao trên app hoặc làm tròn lên một vài ngàn lẻ khi thanh toán cũng giúp cho shipper được ít nhiều. Thẳng thắn mà nói, giao hàng là một công việc bình thường, hữu ích, và đáng được tôn trọng như bao công việc khác.

Là người cung cấp dịch vụ bình dân, không có nghĩa là họ đáng bị coi thường, bị lạnh nhạt, bị "hành hạ". Mỗi một người lao động nhiệt tình, vui vẻ, hạnh phúc, đều sẽ góp phần làm cho kinh tế phát triển hơn, xã hội tiến bộ hơn, cộng đồng văn minh hơn. Tất cả chúng ta đều được hưởng lợi từ điều đó.

Trịnh Hằng

Tin liên quan
Tin Nổi bật