Đột quỵ xuất huyết não tăng ở người trẻ

13/09/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Đột Quỵ Ngoại Thần Kinh Sức Khỏe
Đột quỵ xuất huyết não tăng ở người trẻ

Ngày 13/9, TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên, thêm rằng trước đây đột quỵ thường xuất hiện ở người lớn trên 60 tuổi. "Vài năm gần đây, bệnh nhân trẻ và trung niên chiếm 30% tổng số ca đột quỵ", bác sĩ Đức nói. Tại Bệnh viện Tâm Anh, bệnh nhân tuổi 40-45 chiếm khoảng 1/3 số ca đột quỵ được cấp cứu, điều trị.

Nghiên cứu của PGS. TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, trên 3.210 bệnh nhân tại 10 Trung tâm Đột quỵ ở Đồng bằng Sông Cửu Long, miền Trung và phía Bắc, cho thấy tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não chiếm khoảng 76%, còn lại là đột quỵ xuất huyết não. Ở các nước phát triển, tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não là 85% và đột quỵ chảy máu não khoảng 15%.

Một nghiên cứu trong 15 năm tại Mỹ, với hơn 803.000 người bệnh nhập viện do xuất huyết não, công bố trên tạp chí Đột quỵ (Stroke) của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, cho thấy đột quỵ xuất huyết não tăng thêm 11% ở người trẻ.

Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi các mạch máu trong não bị vỡ và chảy máu. Đột quỵ do xuất huyết não nguy hiểm hơn và có nhiều khả năng gây tàn tật lâu dài hơn các loại đột quỵ khác. Bệnh gây yếu liệt, tàn phế vĩnh viễn, sống thực vật, tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Bác sĩ Đức lý giải đột quỵ nói chung và đột quỵ xuất huyết não có xu hướng trẻ hóa do nhóm tuổi 35-40 thường có lối sống chưa khoa học như hút thuốc lá, dùng nhiều rượu bia, thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh, stress... Thói quen xấu dẫn đến tăng huyết áp, tiểu đường, thừa cân, béo phì, cao cholesterol trong máu, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ.

Một bệnh nhân trẻ tuổi đột quỵ xuất huyết não được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Huyết áp cao là yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ do xuất huyết não. "Người trẻ thường chủ quan, kiểm soát chưa tốt huyết áp", bác sĩ Đức nói. Nguyên nhân nữa là do các bất thường về mạch máu não, các dị dạng mạch có thể bị vỡ ra gây xuất huyết não hoặc tắc mạch não dẫn đến nhồi máu ở những bệnh nhân bị bệnh lý hẹp mạch não tiến triển (Moyamoya).

Các vấn đề về tim mạch trước đây ít gặp nhưng hiện khá phổ biến ở người trẻ, theo bác sĩ Đức. Bất thường như tăng huyết áp, rối loạn nhịp, bệnh lý van tim... tạo thành huyết khối trong tim, di chuyển lên trên não gây tắc mạch, vỡ mạch và đột quỵ.

Đơn cử anh Hùng, 40 tuổi, nhập cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM trong tình trạng yếu liệt nửa người bên phải, nói đớt, khó diễn đạt thành lời. Kết quả chụp MRI 3 Tesla khẩn cấp cho thấy anh bị đột quỵ xuất huyết não. Người bệnh có tiền sử hút thuốc hơn một gói mỗi ngày, uống rượu, huyết áp cao. Nhờ mổ kịp thời bằng robot mổ não ứng dụng trí tuệ nhân tạo, bác sĩ loại bỏ khối máu tụ và cầm mạch máu đang vỡ, anh Hùng phục hồi tốt.

Tầm soát đột quỵ bằng máy chụp CT 1975 lát cắt ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bộ Y tế ghi nhận mỗi năm hơn 200.000 trường hợp bị đột quỵ nói chung. Bác sĩ khuyến cáo người trẻ có thể phòng ngừa đột quỵ bằng cách thay đổi lối sống, sinh hoạt như không hút thuốc, uống rượu. Hạn chế ăn chất béo, đồ ăn nhanh, không thức khuya. Thường xuyên vận động, phòng ngừa và kiểm soát tăng huyết áp, tiểu đường. Duy trì chế độ ăn uống khoa học, ăn nhiều rau xanh, trái cây, giảm muối, giảm mỡ và đường. Không nên ngồi làm việc liên tục quá lâu, nên đan xen đứng dậy đi lại, vận động tay chân và thư giãn đầu óc.

Khám sức khỏe tổng quát và tầm soát đột quỵ định kỳ, mỗi 6 tháng đến một năm bằng các chỉ định chuyên sâu như xét nghiệm máu, siêu âm, chụp MRI, CT... để có thể phát hiện các bất thường nhỏ nhất, từ đó chủ động phòng tránh đột quỵ.

Bình An

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật