Ngày 30/8, Trạm CSGT Mađaguôi cho biết điểm sạt trượt trên đèo Bảo Lộc thuộc thị trấn Đạ M'ri, huyện Đạ Huoai. Tại đây các tảng đá lớn từ trên vách núi phía taluy dương lăn xuống mương thoát nước mặt đường đèo. Khu vực trên đèo xuất hiện các vết xói mòn đất.
Nhiều hòn đá lăn từ đồi xuống sát mép đường đèo Bảo Lộc. Ảnh: Hoài Thanh
Ông Nguyễn Văn Gia, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng, cho biết hàng năm khi xảy ra mưa lớn dài ngày, khu vực đèo Bảo Lộc ghi nhận tình trạng đá lăn xuống mặt đường đèo. Trước tình trạng này, UBND tỉnh đề nghị đơn vị chuyên trách giao thông là Khu quản lý đường bộ IV khảo sát khắc phục.
"Đợt này cơ quan chuyên môn đang tiến hành khoan địa chất để xử lý và xây kè chống sạt lở. Hiện tại đèo vẫn đảm bảo để xe chạy qua", ông Gia nói và cho biết cơ quan chức năng tỉnh sẽ túc trực trên đèo điều tiết giao thông dịp lễ 2/9.
Đèo Bảo Lộc có nhiều khúc cua quanh co. Ảnh: Hoài Thanh
Đèo Bảo Lộc dài khoảng 10 km, hai làn xe, nằm trên quốc lộ 20 - một trong tuyến chính từ TP HCM, Đồng Nai tới TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Với nhiều đoạn cua gấp, dốc cao, đèo là một trong những cung đường nguy hiểm với tài xế, xảy ra nhiều vụ tai nạn.
Nhiều vụ sạt lở đất đã xảy ra trên đèo Bảo Lộc, nhất là vào mùa mưa. Trong đó, vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra tháng 7/2023, khi một mảng đồi ập xuống trụ sở cảnh sát giao thông khiến ba chiến sĩ CSGT và một người dân tử vong. Khu vực xảy ra đất đá rơi nói trên nằm cách vị trí sạt lở năm trước hơn hai km.
Đèo Bảo Lộc trên quốc lộ 20. Đồ họa:Đăng Hiếu
Trường Hà - Hoài Thanh