Chọc ối có nguy hiểm cho song thai không?

19/09/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Mang Thai & Sinh Con Sản Phụ Khoa Sức Khỏe
Chọc ối có nguy hiểm cho song thai không?

Thai chậm tăng trưởng bị ngắn các xương, mất sóng tâm trương động mạch rốn. Bác sĩ chỉ định chọc ối, nếu bất thường thì hủy một thai. Tuy nhiên nhiều người khuyên không nên chọc ối vì nguy cơ sảy thai và mất hết cả hai thai. Tôi có nên chọc ối không? Có thể thay thế chọc ối bằng kỹ thuật tầm soát khác không? (An Nguyen, 34 tuổi, TP HCM)

Trả lời:

Chọc ối là thủ thuật dùng một mũi kim mỏng, đưa xuyên qua màng bụng, thành tử cung của thai phụ để vào túi ối, hút lấy ra một lượng nước ối vừa đủ để làm xét nghiệm, dưới sự hỗ trợ của máy siêu âm. Mẫu nước ối thu được bao gồm các tế bào đã bong ra từ thai nhi, dịch thấm, nước tiểu của thai nhi, dịch tiết của phổi.

Phương pháp này giúp kiểm tra bất thường về di truyền, nhiễm sắc thể, bệnh lý đơn gene (tan máu bẩm sinh, thiếu máu hồng cầu hình liềm, loạn dưỡng cơ Duchenne...) hoặc một số nguyên nhân tiềm ẩn gây nhiễm trùng thai. Thời gian thực hiện chọc ối theo khuyến cáo từ sau 16 tuần thai kỳ để hạn chế tối đa rủi ro.

Với trường hợp của bạn, song thai hai nhau hai ối có một thai bị giới hạn tăng trưởng, ngắn các xương, mất sóng tâm trương động mạch rốn. Song thai hai nhau hai ối tức là mỗi thai nhi có một túi ối và một bánh nhau riêng biệt, cùng ở trong một buồng tử cung. Một bé tăng trưởng phù hợp tuổi thai và một bé cân nặng 750 g, được chẩn đoán giới hạn tăng trưởng trong tử cung khởi phát sớm (trước 32 tuần), có mất sóng tâm trương động mạch rốn.

Thai mất sóng tâm trương động mạch rốn là tình trạng dòng máu chảy qua dây rốn thay đổi làm giảm hoặc mất hoàn toàn dòng máu trong giai đoạn tâm trương (thời gian nghỉ ngơi của tim). Đây là một dấu hiệu cảnh báo thai nhi chậm tăng trưởng trong tử cung có suy thai, nguy cơ cao dẫn đến thai lưu, tổn thương não, suy hô hấp, xuất huyết nội sọ, co giật, nhiễm khuẩn, viêm ruột hoại tử, chậm phát triển tâm thần - vận động, sinh non tháng...

Thai chậm tăng trưởng, kèm ngắn xương và mất sóng tâm trương động mạch rốn, có nhiều nguyên nhân khác nhau như bất thường di truyền, nhiễm trùng bào thai hoặc suy chức năng bánh nhau. Do đó, chọc ối là cần thiết để tìm chính xác nguyên nhân gây bất thường này. Sau khi chọc ối, bác sĩ sẽ thảo luận và tư vấn thêm về kết quả xét nghiệm.

Các bác sĩ Y học bào thai chọc ối cho thai phụ với sự hỗ trợ của máy siêu âm. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Theo các nghiên cứu của tổ chức lớn trên thế giới, rủi ro thủ thuật chọc ối khoảng 0,2%, tức 1.000 ca thực hiện thủ thuật có hai ca xảy ra biến chứng. Các nghiên cứu cũng nhấn mạnh tỷ lệ mất thai sau chọc ối trong song thai không có sự khác biệt đối với đơn thai.

Ở Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, quy trình chọc ối được thực hiện vô trùng và tối ưu hóa để hạn chế tỷ lệ biến chứng cho thai phụ. Hiện không có phương pháp khác thay thế kỹ thuật chọc ối để tìm nguyên nhân trong trường hợp này.

BS.CKI Lê Quang HưngTrung tâm Y học bào thai Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật