ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng, Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết chỉ số đường huyết của thực phẩm (GI) là thước đo khả năng làm tăng đường huyết sau khi ăn của một loại thực phẩm so với thực phẩm chuẩn. GI được chia làm ba nhóm gồm GI thấp ≤55, GI trung bình 56-69, GI cao ≥70.
Tải lượng đường huyết của thực phẩm (GL) là chỉ số cho biết đường huyết sẽ tăng nhiều hay ít sau khi ăn một phần thức ăn có chứa một lượng chất bột đường (carbohydrate) nhất định. Thực phẩm có tải đường thấp khi chỉ số GL ≤10, tải lượng đường huyết trung bình khi GL 11-19 và tải lượng đường huyết cao khi GL ≥20.
Người bệnh có thể uống sữa nhưng cần đảm bảo đúng chủng loại, giới hạn hàm lượng phù hợp. Ưu tiên các dòng sữa ít béo hoặc không béo, có chỉ số đường huyết (GI) và tải lượng đường huyết (GL) thấp, không đường.
Sữa giàu protein chất lượng cao, vitamin D, vitamin nhóm B, canxi, kẽm, magie, selen. Chúng góp phần tăng cường sức đề kháng, cải thiện sức khỏe tổng thể, duy trì hoạt động cơ bắp, kiểm soát đường huyết sau ăn.
Sữa chua Hy Lạp đã loại bỏ nước (có trong sữa) nên chứa ít đường lactose, protein chất lượng cao với đủ 9 loại axit amin thiết yếu giúp duy trì cảm giác no lâu, điều hòa đường huyết sau bữa ăn, kiểm soát cân nặng. Thực phẩm này tốt cho người bệnh đái tháo đường vì GI ở mức 11, thấp hơn ba lần so với sữa chua thông thường. Món ăn này làm chậm quá trình hấp thụ đường ở ruột, hạn chế nguy cơ đường huyết cao đột ngột sau ăn.
Sữa tươi tách béo hoặc ít béo chứa hàm lượng chất béo ít hơn 3%, chỉ số GI và GL thấp (GI 27-47 và GL 1,3-1,6). Người bệnh sử dụng đồ uống với hàm lượng vừa phải hạn chế nguy cơ tăng cân quá mức, phòng bệnh tăng nặng hoặc biến chứng.
Sữa đậu nành có carbohydrate, calo thấp, giàu protein, chất xơ. Đồ uống này giúp giảm nguy cơ tăng đường huyết đột ngột, làm chậm quá trình tiêu hóa carbohydrate, duy trì ổn định lượng đường trong máu. Sữa đậu nành còn chứa nhiều isoflavones - một nhóm hợp chất có khả năng thúc đẩy quá trình hấp thụ glucose từ máu vào tế bào, hỗ trợ điều hòa đường huyết.
Sữa hạt không đường (hạt lanh, hạt điều, hạnh nhân, óc chó) bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa cho người bệnh đái tháo đường. Vitamin B1 góp phần ngăn ngừa sự hình thành sản phẩm phụ có hại trong quá trình chuyển hóa glucose, hỗ trợ giảm căng thẳng oxy hóa, cải thiện chức năng nội mô, góp phần ngăn ngừa biến chứng tim mạch. Vitamin E điều hòa đường huyết lúc đói. Kẽm cải thiện độ nhạy insulin ở tế bào. Mangan tăng cường hoạt động sản xuất insulin - loại hormone điều hòa đường huyết.
Các loại sữa hạt còn giàu axit béo omega-3, kích thích cơ thể sản xuất ra nhiều insulin, cải thiện độ nhạy insulin với các tế bào đích, kiểm soát lượng đường trong máu. Từ đó, chúng góp phần ngăn ngừa bệnh đái tháo đường tăng nặng hoặc biến chứng.
Sữa bắp có chỉ số GI thấp (20,8) và GL cũng thấp (1,87), ít calo (25 calo trong 100 g), hỗ trợ kiểm soát cân nặng, phù hợp với người bệnh đái tháo đường đang thừa cân hoặc béo phì. Đồ uống này giàu vitamin nhóm B giúp cải thiện tình trạng kháng insulin, ngăn ngừa biến chứng gan nhiễm mỡ ở người bệnh đái tháo đường.
Bác sĩ Duy Tùng khuyến cáo người bệnh đái tháo đường bổ sung sữa vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày cần cân đối các thực phẩm khác. Đảm bảo đầy đủ nhóm dưỡng chất quan trọng như bột đường, đạm, béo, vitamin, khoáng chất.
Kiểm soát lượng carbohydrate tiêu thụ trong sữa và thực phẩm khác để tổng tải lượng đường huyết (GL) không vượt quá 20 - mức giới hạn an toàn không làm tăng đường huyết đột ngột. Mỗi người bệnh có cơ địa, mức độ hấp thu, tình trạng đường huyết, bệnh nền khác nhau. Để đảm bảo sức khỏe, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ khoa nội tiết - đái tháo đường hoặc dinh dưỡng về loại sữa có thể uống mỗi ngày.
Người bệnh nên thường xuyên kiểm tra chỉ số đường huyết, tái khám định kỳ và dùng thuốc theo chỉ định. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường, muối, chất béo bão hòa, thực phẩm tái, sống. Kiểm soát cân nặng, không để thừa cân, béo phì.
Bổ sung tinh chất thiên nhiên như GDL-5 (chiết xuất từ phấn mía Nam Mỹ) góp phần giảm lượng cholesterol toàn phần, giảm nguy cơ biến chứng do bệnh đái tháo đường gây ra. Người bệnh có thể đi khám dinh dưỡng, đo thành phần cơ thể, xét nghiệm vi chất để xác định cơ thể đang thiếu hay thừa dưỡng chất nào. Từ đó, bác sĩ tư vấn xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu cơ thể.
Trường Giang
Độc giả gửi câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp